Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Đẩy mạnh vận chuyển công-ten-nơ bằng đường sắt để giảm thiểu cho đường bộ

Với mục tiêu vận chuyển container (CTN) bằng đường sắt (ĐS) nhằm giảm tải cho đường bộ, Đường Sắt Việt Nam thống nhất chỉ đạo tiếp thị, thu hút luồng hàng CTN vận chuyển trên các tuyến ĐS. Từ ngày 9/4 đến ngày 29/4/2013, Bộ GTVT tổ chức cân kiểm tra xe quá tải trên QL5; ĐSVN đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị phương tiện, sức kéo để hỗ trợ vận chuyển cho đường bộ nhưng thực tế, luồng hàng (CTN) đến với ĐS không tăng.
 
Giảm tải cho đường bộ nhưng luồng hàng đến với ĐS chưa tăng

Hiện nay, Công ty Vận tải hàng hóa đường sắt đã cùng 2 khách hàng là Công ty CP Vinaline logistic Việt Nam và Xí nghiệp Xếp dỡ & Vận tải Bạch Đằng tổ chức vận chuyển; trong đó, Công ty CP Vinaline logistic Việt Nam 2 ngày chạy 1 đôi tàu, Xí nghiệp Xếp dỡ & Vận tải Bạch Đằng 4 ngày chạy 1 đôi tàu CTN. Việc chưa chạy đủ hành trình là do một số nguyên nhân như: lượng hàng nhập về Ga Lào Cai rất hạn chế, vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên CTN bị cạnh tranh gay gắt bởi giá cước vận chuyển CTN bằng ô tô thấp hơn so với vận tải bằng ĐS... Bên cạnh đó, do năng lực tuyến ĐS phía Tây có hạn (đang trong thời gian nâng cấp, cải tạo, thi công ĐS) nên ĐSVN chỉ cho phép chạy 13 đôi tàu/ngày đêm.

DauMayD13E
Vận tải hàng hóa bằng tàu hỏa

Với mục tiêu đừa CTN vào vận chuyển bằng đường sắt  nhằm giảm tải cho đường bộ, từ ngày 9/4 đến ngày 29/4/2013, Bộ GTVT tổ chức cân kiểm tra xe quá tải trên QL5; ĐSVN đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị phương tiện, sức kéo để hỗ trợ vận chuyển cho đường bộ nhưng thực tế, luồng hàng (CTN) đến với ĐS không tăng. Công ty VTHH ĐS đã trao đổi với Công ty CP Vinaline logistic Việt Nam, Công ty CP Vận tải & Thương mại ĐS, Công ty TNHH Vận tải Hoa Lâm, Công ty CP Đông Nam về việc phối kết hợp tổ chức xếp dỡ, vận chuyển đường ngắn tại Ga Yên Viên, Lào Cai. Các đơn vị đều thống nhất giảm tối đa chi phí, hạ giá thành, nhưng với mặt bằng chung hiện nay, trên tuyến Hải Phòng – Yên Viên, Hải Phòng – Đồng Đăng, giá cước vận chuyển trọn gói bằng ĐS (từ kho đến kho) cao hơn vận chuyển bằng ô tô từ 11% đến 26% (trên 1 triệu đồng/CTN). Vì vậy, mặc dù ĐS có đủ khả năng vận chuyển CTN trên tuyến Hải Phòng – Yên Viên, Hải Phòng – Đồng Đăng và ngược lại nhưng do cự ly ngắn, thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt thường dài hơn vận tải bằng ô tô và giá cước chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được khách hàng vận chuyển. Theo số liệu của Công ty VTHH ĐS, 8 tháng đầu năm 2013, tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng container (CTN) từ Hải Phòng đi các ga trên ĐSVN (và ngược lại) thực hiện đạt 11.501 TEU (khối lượng 1 TEU khoảng 10 – 12 tấn hàng hóa). So với cùng kỳ mới đạt 91,16%. Riêng khối lượng hàng hoá vận chuyển bằng CTN loại 20 feet tăng (104,83%).

Theo báo cáo của Công ty Vận tải HHĐS, Công ty CP Vinaline logistic Việt Nam có khối lượng vận chuyển tương đối ổn định, bình quân 100 TEU/ngày từ Cảng Hải Phòng đi các khu công nghiệp khu vực Hà Nội và các khu vực lân cận. Hiện công ty đang khai thác cảng ICD Lào Cai và đã có nhánh ĐS nối thông, khả năng vận chuyển trên 500 TEU/tháng trên tuyến Hải Phòng – Lào Cai. Công ty CP Dịch vụ vận tải ĐS là đối tác duy nhất vận chuyển CTN cho Hãng Nisin (Nhật Bản), khối lượng vận chuyển bình quân từ 500 đến 700 TEU/tháng từ Hải Phòng đi các khu công nghiệp lân cận Hà Nội. Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ Hải Nam là đối tác liên danh với Nhật Bản trong việc thu mua và vận chuyển gỗ dăm xuất khẩu từ Kép, Lưu Xá đi Cảng Cái Lân. Công ty đã phối hợp với ĐSVN xây dựng kho bãi hàng (30.000 m2) và đường xếp dỡ (400 mét) tại Ga Kép để vận chuyển từ Kép đi Cảng Cái Lân với khối lượng dự kiến khoảng 100 TEU/ngày.

Công ty CP Vận tải đa phương thức Duyên Hải (Tasa Hải Phòng) là doanh nghiệp vận chuyển CTN chủ yếu từ Cảng Hải Phòng đi khu CN Thuỵ Vân (Việt Trì), Lạng Sơn và ngược lại với khối lượng bình quân 500 TEU/tháng. Để tổ chức khai thác, vận chuyển CTN trên tuyến này, ĐSVN đã cho phép Công ty Vận tải HHĐS cải tạo bãi hàng Ga Phủ Đức (từ 800 m2 đến 1.000 m2) để phục vụ vận chuyển CTN nhằm giảm giá thành vận tải chung. Hiện nay, Công ty Vận tải HHĐS đã đền bù cho đối tác, tháo dỡ các gian kho. Dự kiến cuối tháng 9/2013 sẽ cải tạo xong bãi hàng…

Một vài kiến nghị

Để chống hư hỏng hạ tầng ĐS và toa xe, các toa xe hàng vận chuyển bằng đường sắt được kiểm tra nghiêm ngặt về tải trọng hàng hóa xếp trên toa xe. Trường hợp phát hiện hàng hóa quá tải, bội tải, ngành ĐS yêu cầu chủ hàng chuyển sang toa xe khác, đồng thời xử phạt chủ hàng, thu bổ sung cước phí phần hàng hóa quá tải, bội tải… nên tình trạng chuyên chở CTN quá tải hầu như không xảy ra. Tuy nhiên, qua công tác khảo sát cho thấy, các xe ô tô chở CTN đa số chở quá tải hàng hóa so với tải trọng kỹ thuật quy định nên cước vận chuyển CTN bằng đường bộ thấp hơn so với vận chuyển bằng ĐS do chủ hàng “tận dụng” được phần hàng hóa quá tải, bội tải. Mặc dù hiện nay, cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều điểm cân kiểm tra tải trọng ô tô chở hàng trên đường bộ nhưng tình trạng xe quá tải vẫn còn phổ biến, đây là nguyên nhân lượng CTN vận chuyển bằng đường bộ cao.

Để đảm bảo sức chở CTN, đề nghị có chính sách ưu đãi, vay vốn đối với ĐSVN để đóng mới thêm toa xe M chuyên dùng chở CTN. Trong giai đoạn đầu khai thác vận chuyển trên tuyến đi, đến Cảng Cái Lân, đề nghị cho phép miễn phí hạ tầng để hỗ trợ khách hàng vận chuyển. Hỗ trợ giảm giá cẩu xếp dỡ và vận chuyển đường ngắn trong nội bộ Cảng Hải Phòng, đặc biệt là giá cẩu trực tiếp từ ô tô sang toa xe ĐS…

Lê Quang
Back To Top