Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014
Chính sách quản lý vận tải " Không cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh"
Nói
về chính sách quản lý vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định:
'Phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được phát triển bình đẳng.
Không cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh, song xác định được rõ quy mô
doanh nghiệp phải phù hợp với quy mô kinh doanh, phạm vi hoạt động". Bộ
trưởng nói, có nhiều dịch vụ hiện nay doanh nghiệp nhỏ có thể chia sẻ và
đảm nhận được nhưng phải quản lý thế nào để không có tình trạng chạy
chui, mất an toàn.
Xe ô tô kinh doanh từ 7T trở lên sẽ được quản lý bằng thiết bị GSHT và phù hiệu |
150.000 xe sẽ được đưa vào quản lý
Chiều ngày 22/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng
đã chủ trì cuộc họp về xây dựng NĐ thay thế 91/2009/NĐ-CP và
93/2009/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ô tô.
Tham dự
cuộc họp có các Vụ của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN, Cục CSGT đường bộ -
đường sắt, Hiệp hội vận tải ô tô VN, Phòng thương mại và công nghiệp VN
(VCCI), Sở GTVT Hà Nội, Tp. HCM. Theo báo cáo của tổ soạn thảo,
dự thảo nghị định (NĐ) sửa đổi lần này bổ sung thêm nhiều nội dung mới.
Đối tượng thực hiện NĐ được mở rộng, bao gồm xe ô tô vận tải hàng hóa,
vận tải hành khách trên đường bộ công cộng nhằm mục đích kinh doanh sinh
lợi.
Theo dự thảo Nghị định, kinh doanh vận
tải khách theo tuyến cố định phải theo quy hoạch do cơ quan có thẩm
quyền quy định. Phân hạng DN, HTX theo quy mô phương tiện và quy định
phạm vi hoạt động theo từng hạng. Bổ sung quy định đối với bến xe khách,
bến xe hàng. Giao UBND cấp tỉnh quy định về đặt hàng, đấu thầu khai
thác các tuyến xe buýt có trợ giá từ ngân sách Nhà nước.
Bổ sung quy định đối với đơn vị kinh
doanh vận tải hàng hóa, bến xe hàng, trạm dừng nghỉ. Xây dựng 1 điều
riêng quy định về lái xe kinh doanh vận tải. Đối tượng phải lắp đặt
thiết bị giám sát hành trình và cấp phù hiệu mở rộng thêm xe taxi, xe
vận tải hàng hóa có trọng tải từ 7 tấn trở lên, xe đầu kéo kéo sơmi
rơmoóc, trong đó có quy định lộ trình áp dụng đối với từng đối tượng.
Bộ trưởng yêu cầu: Xây dựng nghị định phải có tầm bao quát lâu dài, không được sửa đổi liên tục gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp |
Theo ông Khuất Việt Hùng – Vụ trưởng vụ
Vận tải, các đối tượng cần quản lý, như vậy sẽ lên tới 150.000 xe, trong
khi theo quy định hiện nay có gần 50.000 xe thuộc đối tượng phải lắp
thiết bị GSHT.
Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của các
Bộ, Ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương
binh và Xã hội, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Hiệp hội vận tải ô
tô VN.
Doanh nghiệp to, nhỏ đều được kinh doanh
Tại cuộc họp, Ban soạn thảo đã báo cáo
và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng về các nội dung trọng tâm, mới, có
tính ảnh hưởng rộng và còn một số ý kiến khác nhau. Sau khi nghe ý kiến
của đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Cục CSGT đường bộ -
đường sắt, Hiệp hội vận tải ô tô VN, 2 Sở GTVT và một số ý kiến khác, Bộ
trưởng đã yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp này để hoàn thiện
dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng chỉ đạo, phải thể hiện được rõ
trong Nghị định chúng ta là một nước văn minh, tuân thủ hiến pháp, và
các luật, trong đó có Luật doanh nghiệp, Luật GTĐB. Phải rất rõ ràng
trong các quy định, cái gì thuộc trách nhiệm của nhà nước thì nhà nước
phải làm, thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp thì để doanh nghiệp làm.
Không được có tình trạng cái gì nhà nước không quản được thì cấm. Đừng
bắt người dân phải báo cáo nhiều quá, mà cơ quan quản lý không có ai
đọc.
Thủ tục phải rất đơn giản, không thêm
giấy phép con, không lãng phí tiền của xã hội, đặc biệt không được trái
với các quy định của Luật doanh nghiệp.
Phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
được phát triển bình đẳng. Không cấm doanh nghiệp nhỏ kinh doanh, song
xác định được rõ quy mô doanh nghiệp phải phù hợp với quy mô kinh doanh,
phạm vi hoạt động.
Hiệp hội Vận tải ô tô VN đề nghị cần có phân hạng doanh nghiệp để quy định phạm vi hoạt động phù hợp |
Vận tải hợp đồng và du lịch thực tế
người dân chấp nhận và chia sẻ được cho các bến xe, phải có quy định để
quản lý, không được để chạy chui, không quản lý được.
Nguyên tắc là không làm tăng chi phí cho
doanh nghiệp, quy định này làm tăng thì phải có quy định khác giúp giảm
chi phí, để cuối cùng là không lãng phí tiền của của dân, doanh nghiệp
phát triển bền vững, người dân được hưởng dịch vụ tốt hơn, an toàn hơn.
Bổ sung các quy định phải có lộ trình,
không được để tất cả thực hiện dồn dập một lúc, chi phí tăng lớn, làm
khó khăn cho doanh nghiệp và xã hội khó chấp nhận.
Đặc biệt phải tính toán để Nghị định có
được tầm bao quát, lâu dài, không được để 1 - 2 năm đã sửa, chính sách
thay đổi nhiều làm khó và tốn kém cho doanh nghiệp.
Phương Anh
Tag →